Sáng ngày 29/9/2022, Đoàn trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM, Đoàn Cơ quan ĐHQG-HCM và Mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo “Chuyển Đổi Số trong Giáo Dục và Quản Lý Nhà Nước” tại trường Đại học Quốc tế.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quá trình chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã đề cập nội dung chuyển đổi số là một tất yếu khách quan và có lộ trình, bước đi thích hợp với việc chuyển đổi số. Tạ phiên họp thứ Ba của Ủy ban để đánh giá kết quả chuyển đổi số năm 2022, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên mọi lĩnh vực, trong đó có hai lĩnh vực quan trọng là giáo dục và quản lý Nhà nước.
Hướng tới Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 5 năm 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu phối hợp tổ chức, Đoàn trường Đại học Quốc tế – ĐHQG HCM đồng hành cùng Đoàn Cơ quan ĐHQG HCM và Mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổ chức buổi hội thảo chuyên đề: “Chuyển Đổi Số Trong Giáo Dục và Quản Lý Nhà Nước”. Mục tiêu hội thảo nhằm hướng đến các giải pháp nhằm tận dụng tốt nguồn lực tri thức trẻ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước nhằm giúp Việt Nam bắt kịp các xu hướng công nghệ chuyển đổi số trên thế giới, đặc biệt là việc ứng dụng vào đổi mới nền giáo dục và quản lý nhà nước. Hội thảo được diễn ra dưới sự cố vấn học thuật của PGS TS. Võ Thị Lưu Phương, Trưởng Bộ môn Công nghệ Thông tin, Khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Quốc tế – ĐHQG HCM; TS. Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc tế, ĐHQG HCM; và TS. Lê Kim Hùng, Trưởng Bộ môn Truyền thông dữ liệu, Khoa Mạng máy tính & Truyền thông, trường Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG HCM.
Ban Cố vấn chuyên môn hội thảo
TS. Lê Kim Hùng, đại diện Ban cố vấn phát biểu tại hội thảo
Hội thảo vinh dự được đón tiếp Tiến sĩ Hồ Nhựt Quang – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM; PGS. TS Trần Xuân Bách – Đại diện Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; PGS.TS Đào Việt Hằng, PGĐ Trung tâm Nội soi bệnh viện Đại học Y Hà Nội; và PGS. TS. Đinh Ngọc Thạnh, Phó Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam. Hội thảo cũng thu hút đông đảo sự quan tâm các chuyên gia, nhà khoa học, quý thầy cô, các bạn sinh viên, tham gia trực tiếp tại Hội trường A2.307 trường Đại học Quốc tế – ĐHQG HCM, và trực tuyến thông qua nền tảng Zoom. Ngoài ra, Hội thảo còn được livestream trực tiếp trên fanpage trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM, fanpage IUYouth Page – Tuổi trẻ Đại học Quốc tế và các nền tảng của Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.
PGS.TS Đào Việt Hằng, PGĐ Trung tâm Nội soi bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát biểu tại hội thảo
Tiến sĩ Hồ Nhựt Quang – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Quốc tế phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ các tổ chức trong và ngoài nước đã tập trung trao đổi, chia sẻ thông tin rất hữu ích về nhiều chủ đề:
1. Tham luận “Tổng quan về chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Ngọc Trường Minh – giảng viên Khoa Điện tử Viễn thông, trường ĐH Quốc tế, ĐHQG-HCM.
2. Tham luận “Chuyển đổi số tại TP. HCM, các chính sách, thực trạng, và đề xuất” của TS. Hồ Minh Nhật, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM;
3. Tham luận “Chính phủ điện tử Hàn Quốc: góc nhìn và bài học” của TS. Nguyễn Trí Hải, Research Professor, Seoul National University of Science and Technology, Hàn Quốc;
4. Tham luận “Chuyển đổi số trong giáo dục ở Vương quốc Anh – King’s College London” của TS. Nguyễn Tấn Việt Tuyến, Postdoctoral Research Associate, King’s College London, Vương quốc Anh.
5. Tham luận “Ứng dụng công nghệ trong xây dựng mô hình chương trình hội trại sáng tạo sinh viên” của ThS. Lê Nguyễn Thùy Vân – Ủy viên BTV Đoàn trường, Chuyên viên TT Đổi mới sáng tạo & Chuyển giao Công nghệ, trường ĐH Quốc tế, ĐHQG-HCM
Các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo
Tại phần thảo luận của chương trình, nhiều câu hỏi hay xoay quanh kinh nghiệm chuyển đổi số ở các quốc gia tiên tiến, đánh giá về chuyển đổi số giáo dục Việt Nam, trong hoạt động Đoàn – Hội, và quá trình xây dựng chính quyền số, đã được khán giả tham gia trực tiếp tại Hội trường cũng như trực tuyến đặt cho các diễn giả.
Theo các diễn giả, chuyển đổi số đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chuyển đổi số tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó giáo dục và quản lý nhà nước là một trong các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo học sinh, sinh viên, và hành chính công. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã trở thành động lực thúc đẩy chuyển đổi số phát triển. Từ việc giảng dạy, hoạt động sinh viên, và các hoạt động hành chính diễn ra theo phương thức trực tiếp truyền thống, ngày càng nhiều đơn vị giáo dục, hành chính chấp nhận hình thức hybrid (trực tiếp và trực tuyến kết hợp).
Để có thể thành công trên quá trình chuyển đổi số, cần xác định rõ mục tiêu chung là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng quản lý hành chính công góp phần phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
Về chuyển đổi số trong giáo dục, các diễn giả đề xuất cần phát triển các nền tảng số hỗ trợ dạy và học từ xa theo các phương pháp mới như học tập chủ động, học tập dựa trên vấn đề/dự án, hay ứng dụng trò chơi vào giảng dạy. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy, học tập, và số hóa quá trình cần được chú trọng. Ngoài ra, cần xây dựng các nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến để đáp ứng nhu cầu tình hình mới.
Các diễn giả đang thảo luận tại Hội thảo
Sinh viên tham gia đặt câu hỏi giao lưu với diễn giả
Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhận định vẫn còn rất nhiều yếu tố cản trở quá trình chuyển đổi số như chậm thay đổi về công nghệ, phụ thuộc vào công nghệ cũ, phân bổ nguồn lực không hiệu quả, kế hoạch cứng nhắc, và tâm lý ngại thay đổi của con người. Đặc biệt là các hành lang pháp lý vẫn còn thiếu. Do đó, cần có lộ trình điều chỉnh bổ sung các quy định pháp lý trên cơ sở tham chiếu các điều kiện hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số
Để kết luận Hội thảo, các diễn giả đều đồng ý rằng yếu tố con người là quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy con người một cách tích cực, và kết quả của chuyển đổi số phải phục vụ cho sự phát triển của con người.
TS. Tôn Nữ Ngọc Hân – Phó trưởng Trung tâm Đào tạo Nghiên cứu Quản lý công, Bí thư Đoàn khối CBGV Trường ĐHQT và ThS. Ngô Hữu Thống – Bí thư Đoàn Cơ quan ĐHQG-HCM chủ trì thảo luận tại hội thảo
Xem lại livestream hội thảo Tại đây
[Về Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V, năm 2022]: Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V sẽ được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 11 năm 2022 tạ tỉ Bến Tre.. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Trí thức trẻ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch” nhằm củng cố và nâng cao vai trò của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; tăng cường kết nối, hợp tác giao lưu giữa thanh niên, trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, diễn đàn để cộng đồng trí thức trẻ trong và ngoài nước thảo luận, đề xuất các cơ chế, chính sách, các sáng kiến, giải pháp, đóng góp vào công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước nhanh, bền vững; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.
Diễn đàn có sự tham dự của 200 đại biểu trí thức trẻ trong và ngoài nước. Đăng ký tham dự diễn đàn tại: http://trithuctrevietnam.vn