Tiếp nối tinh thần “Sharing is Caring”, ILLUSTRIS hôm nay sẽ mang tới cho một các bạn một chủ đề không kém phần “nhiều não” chuyên mục trước, đó chính là “Đăng ký làm trợ giảng trong trường? Nên hay không nên?”
Nhân vật chính sẽ mang đến những chia sẻ quý giá cho các bạn là chị Nguyễn Huỳnh Phương Thanh – một sinh viên năng suất khi tham gia rất rất nhiều các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt có đam mê với công việc trợ giảng. Chị là sinh viên Khóa 2018 đến từ khoa Công nghệ Thông tin. Chúng mình chỉ biết chị là sinh viên năm cuối, chứ không ai biết chị đã làm trợ giảng cho bao nhiêu lớp cả, đếm không xuể cả nhà ạ 🧐
Trong năm học rồi chị Phương Thanh không chỉ làm Trợ giảng năng nổ mà còn tham gia rất nhiều các chương trình ngoài giảng đường đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ như:
🔹Điểm rèn luyện trung bình NH 2020-2021: 88/100
🔹Trợ giảng lớp Digital Logic Design, học kỳ I, NH 2020-2021.
🔹Trợ giảng lớp Object-Oriented Analysis and Design, học kỳ II, NH 2020-2021.
🔹Uỷ viên BCH Hội Sinh viên trường/UV. BTV Đoàn Khoa Công nghệ Thông tin
🔹Nhận giấy khen hiệu trưởng về cá nhân hoạt động tích cực trong công tác Hội và phong trào sinh viên 2019-2020.
🔹Bài báo nghiên cứu Khoa học “Improving the Accuracy in Copy-Move Image Detection: A Model of Sharpness and Blurriness” đăng trên SN Computer Science, Springer. (2021)
🔹Tham gia các giải chạy VNU Will Run 2020, Phone Off Shoes On,
Dành cho những bạn trẻ chưa biết, làm trợ giảng là mình sẽ làm gì?
👉 Là mình sẽ được đóng vai trò nhưng một giảng viên mini với công việc chính là phụ tá cho giảng viên của một lớp học. Các công việc nho nhỏ các bạn có thể làm là chấm bài, nhập điểm, giải đáp thắc mắc, nhắc nhở và mở lớp ôn bài cho các bạn sinh viên… thay cho giảng viên của lớp. Vai trò cũng to lớn không kém gì một giảng viên của trường nên công việc sẽ yêu cầu bạn phải trung thực, cẩn trọng và chính xác trong công việc và một số tố chất quan trọng khác nữa đó. Nghe hơi khó khăn ha, không biết mình có được quyền lợi gì từ công việc trợ giảng này không nhỉ? Đọc tiếp để biết thêm nhen.
Mình trở thành trợ giảng cũng… tình cờ á
Chị Phương Thanh của chúng ta được biết đến là một trong những Teaching Assistant (Trợ giảng) vô cùng năng suất với số lớp chị đã đồng hành là khá đáng kể khi chị mới bước sang năm cuối đại học. Chị chia sẻ rằng công việc này bén duyên với chị khá tình cờ, và chị cũng chưa từng nghĩ chị sẽ bắt đầu công việc đầu tiên trong đời với vai trò trợ giảng trong IU đó.
“Mình nhớ hôm ấy mình có hẹn với chị mình sau giờ làm ở văn phòng bộ môn Toán và lúc này trong văn phòng chỉ còn mỗi thầy Quân ở lại làm việc. Thật tình cờ, thầy Quân đang cần tìm TA cho môn Calculus 2 và sau một hồi hỏi han nho nhỏ, mình được nhận vào làm trợ giảng. ” – Chị Phương Thanh chia sẻ
Đúng là “nghề chọn người” ha cả nhà, vì sau học kỳ đó thì chị Thanh bắt đầu đam mê làm trợ giảng với nhiều lớp khác, đặc biệt là các môn chuyên ngành của Khoa Công nghệ Thông tin của chị luôn đó.
Mình đi tìm “trợ giảng” hay “trợ giảng” đi tìm mình?
Để trở thành một trợ giảng trong trường thì cũng có rất nhiều cách các bạn nha. Nhưng công việc này cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đầu tiên là tùy vào nhu cầu từ các Khoa, Bộ môn có cần trợ giảng không nè. Các bạn chủ động đi tìm hiểu thì sẽ dễ dàng thấy các form tuyển trợ giảng trên các fanpage Khoa/Bộ môn hay fanpage Đoàn trường đó.
Đôi khi chỉ là một dịp tình cờ “bén duyên” với công việc như chị Phương Thanh của chúng ta. Nếu bạn là một sinh viên giỏi nổi bật trong lớp học thì rất có thể giảng viên sẽ mời bạn làm trợ giảng “cưng” cho thầy cô vào học kỳ tới. Hoặc các bạn có thể liên hệ trực tiếp giảng viên ở môn mình muốn làm TA để hỏi xem thầy/cô có cần trợ giảng không và đăng ký. Đơn giản vậy thôi á cả nhà.
Vài “đặc quyền” khi mình làm trợ giảng
Công việc nào cũng phải có lợi cho mình và có ích cho mọi người thì mới làm chứ ha. Dưới đây là BA quyền lợi cho những trợ giảng giỏi giang và chăm chỉ nè:
Thứ nhất là các bạn được trả lương theo quy định của trường. Không cần bước ra ngoài trường nhưng mình vẫn có những khoản thu nhập tương đương những công việc làm thêm. Không lo bị lừa đảo hay bị bóc lột sức lao động khi đi xin việc ở ngoài. Quá tuyệt vời luôn.
Thứ hai là khi làm trợ giảng mình có thể mở rộng mối quan hệ với sinh viên và tạo dấu ấn riêng với các thầy, cô. Chị Thanh chia sẻ: “Đặc biệt hơn mình luôn cảm thấy vui sau mỗi lần làm trợ giảng vì mình cảm thấy phần nào giúp được các thầy cô ở một phương diện nho nhỏ nào đó.”
Và thứ ba là vô vàn kinh nghiệm cho bản thân, từ kiến thức môn học, kỹ năng và văn hóa làm việc, tất cả mình đều có thể học được từ công việc làm trợ giảng, mà khó có thể học được từ việc tham gia các câu lạc bộ, đội, nhóm nào khác!
“Đối với mình, điều mình nhận được sau mỗi lần làm trợ giảng là mình được củng cố lại kiến thức trong quá trình giảng giải lại cho các bạn sinh viên. Trước mỗi câu hỏi hay mỗi lần đứng lớp review bài thì mình đều phải xem lại kiến thức, hệ thống chúng một cách dễ hiểu và ngắn gọn nhất có thể. Vì thế trong quá trình này phần nào mình đã xây chắc thêm kiến thức của mình ở môn học này.” – Chị Thanh chia sẻ về những gì chị nhận được sau các lớp chị tham gia trợ giảng
Nói thêm về những kinh nghiệm từ các lớp TA, trong quá trình làm trợ giảng tại trường, chị đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm riêng cho bản thân từ văn hóa làm việc, các kỹ năng cần thiết trong việc giao tiếp, kết nối với các bạn sinh viên.
Về văn hóa làm việc thì công việc trợ giảng đã rèn cho chị Thanh tính cẩn thận tuyệt đối, sự rõ ràng qua các khâu soạn bài, giảng bài, chấm bài tập cho các bạn.
Về các kỹ năng mềm của bản thân, chị Thanh cảm thấy bản thân tự tin hơn mỗi khi đứng lớp trong các buổi review hay giải bài tập. Khả năng trình bày trước đám đông của chị được cải thiện hơn đáng kể, đặc biệt là khả năng giao tiếp với thầy cô và các bạn sinh viên. Vì đối với đa phần các bạn sinh viên sẽ cảm thấy dễ dàng trao đổi vấn đề với các bạn trợ giảng hơn nên kỹ năng giao tiếp sẽ rất cần thiết trong các cuộc nói chuyện nhỏ để các bạn sẽ phần nào cảm thấy thoải mái hơn khi bộc bạch vấn đề của mình.
Chị Thanh cho biết mỗi kinh nghiệm rút ra đều có giá trị nhất định và chị cảm thấy thật may mắn khi đã thử sức với công việc trợ giảng năm đó.
Một trợ giảng giỏi không yêu cầu nhiều tố chất quan trọng ngay từ đầu!?
Ngạc nhiên chưa, theo chị Thanh chia sẻ, một trợ giảng giỏi sẽ yêu cầu rất nhiều tố chất từ khả năng xây dựng mối quan hệ, sự tự tin đến phong cách “trợ giảng”. NHƯNG sẽ không quá khó để rèn luyện và bổ sung thêm những tố chất này vào phong cách làm việc của mình đâu.
“Thật sự nói về tố chất đặc biệt thì chắc là không có đâu, các bạn ai muốn làm trợ giảng thì đều có thể ứng tuyển được hết. Đương nhiên là sẽ có những điều kiện nhất định như GPA tích lũy trên 70 và GPA môn trợ giảng từ 80 trở lên.
Và chuẩn bị thật kỹ cho mình những kỹ năng cần thiết để không phải bị “khớp” nhé. Vì tùy vào môn trợ giảng mà tần suất các bạn đứng lớp review bài nhiều hay ít nữa. Đây cũng là cơ hội để các bạn cải thiện giọng nói, cũng như sự tự tin của bàn thân để đứng lớp. Trước mỗi buổi ôn tập là mình sẽ soạn ra sẵn khung bài giảng, soạn bài thật kỹ để trả lời được chu đáo. Quan trọng hơn cả, chuẩn bị tinh thần vững chắc cho bản thân để không bao giờ run trước đám đông.
Để làm tốt công việc này thì ngoài chuẩn bị nền tảng kiến thức, các kỹ năng giao tiếp, trình bày trước đám đông thì chính sự hòa đồng, thân thiện khi kết nối với các bạn sinh viên cũng là yếu tố quan trọng giúp bạn hoàn thành tốt công việc này.”
Lời khuyên gì dành cho các bạn sinh viên có ý định ứng tuyển trở thành trợ giảng nhưng vẫn đang “ngại”
Đối với các bạn sinh viên đang có ý định ứng tuyển trở thành trợ giảng nhưng vẫn đang ngại, lo lắng không biết mình có đủ tự tin có thể hoàn thành tốt hay không thì chị Thanh có một lời khuyên nho nhỏ đó chính là hãy cứ ứng tuyển và cho bản thân một cơ hội để thử thách chính mình ở một vai trò mới đi.
“Lần đầu mình làm trợ giảng cũng gặp khá nhiều khó khăn, đó cũng là lần đầu tiên mình đứng trước một lớp đông sinh viên như vậy để giảng lại bài. Cảm giác hồi hộp và run tới quên cả bài giảng là điều các bạn sẽ được trải nghiệm. Nhưng từ những lần sau, bạn sẽ dần quen với việc đứng lớp và mình tin rằng lúc đó sự tự tin trong các bạn đã được rèn luyện dần và phát triển hơn nhiều rồi đó.” – Chị Phương Thanh chia sẻ
Nếu chị Thanh làm được, nhiều anh chị, bạn của chúng mình làm được, thì chắc chắn bạn cũng sẽ vượt qua được những khó khăn bé xíu của công việc này thôi hà.
Hội Sinh viên hy vọng bài viết đã mang tới một góc nhìn bao quát hơn về công việc trợ giảng trong trường cho các bạn sinh viên. Mong rằng sẽ được thấy nhiều bạn trẻ được truyền cảm hứng và dám thử sức với công việc đặc biệt này nhé.
Theo dõi fanpage IU Union of Students và fanpage Sinh Viên 5 Tốt Đại học Quốc Tế để đón xem các số ILLUSTRIS tiếp theo nhé!
#ILLUSTRIS #season4
#danhhieusinhvien5tot
#hsvdhqt #vnusiu
————————————
Với mong muốn truyền cảm hứng và động lực cho các bạn sinh viên phấn đấu hoàn thiện bản thân mình hơn, trở thành hình mẫu Sinh Viên 5 Tốt tiêu biểu, chuyên mục 𝗜𝗟𝗟𝗨𝗦𝗧𝗥𝗜𝗦 mùa 4 đã chính thức trở lại. Đây là nơi những tấm gương Sinh viên 5 tốt tiêu biểu chia sẻ lại những suy nghĩ cá nhân, những bài học kinh nghiệm cho các lớp sinh viên phấn đấu đạt được những thành tựu nổi bật trong học tập lẫn hoạt động ngoại khóa suốt thời gian ngồi trên giảng đường.