Tiếp nối số phát sóng tiếp theo trong chuyên mục Illustris, hôm nay chúng mình sẽ bật mí cho các bạn một trong những hoạt động đáp ứng yêu cầu tiêu chí “Hội nhập tốt” để xét chọn danh hiệu Sinh Viên 5 Tốt, đó chính là tham gia các dự án, cuộc thi mang tính học thuật. Nghe có vẻ khá “khô khan và cứng nhắc” phải không nào? Nhưng lợi ích của việc tham gia các cuộc thi về ý tưởng, sáng tạo lại rất hữu ích, các bạn sinh viên có thể trau dồi kiến thức, học thêm nhiều kỹ năng mềm, thay đổi tư duy, cùng vô số những lợi ích không ngờ khác.
Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về việc tham gia các cuộc thi, dự án dành cho sinh viên, đặc biệt là những thắc mắc của các bạn sinh viên năm nhất, hãy cùng xem qua những kinh nghiệm và lời chia sẻ thiết thực từ chị Đặng Lê Tố Uyên, sinh viên khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp. Trước tiên, cùng chúng mình điểm qua những thành tích nổi bật của chị trong suốt chặng hành trình này nhé:
– Giải Ba English Debate Contest – năm 2021 – IU English Club
– Top 10 of SCMission 2021 Competition – CLB LSC, trường ĐH Ngoại thương cơ sở II
– Top 12 VSIC 2020 – Đội ý tưởng kinh doanh BIT, ĐH Ngoại thương cơ sở II
– Ban Tổ chức Dự án GPLUS, Dự án BOOKaWAY, Ignite Talk, Talkshow Lạc
Đầu tiên khi được hỏi bản thân chị đã thay đổi như thế nào sau khi tham gia các cuộc thi, dự án dành cho sinh viên, chị Tố Uyên không ngần ngại chia sẻ rằng:
Thay đổi lớn nhất của chị là về mindset. Quá trình tham gia các cuộc thi, các dự án đã giúp chị bình tĩnh hơn khi đối mặt với những điều bản thân chưa biết, chưa giỏi. Điều quan trọng là bản thân sẵn sàng học hỏi và kết hợp tốt những kỹ năng, kiến thức mình đã có để chinh phục các kỹ năng, một lĩnh vực mới. Qua các cuộc thi chị học được các phân tích sâu một vấn đề để có thể đưa ra giải pháp phù hợp, đồng thời biết được sử dụng các kỹ năng lãnh đạo, lên kế hoạch, giao tiếp, trình bày ý tưởng và thuyết phục để vận hành dự án một cách trơn tru nhất.
Ngoài ra các mối quan hệ của chị ngày càng được mở rộng và từ một người sống khá an toàn, chị mạnh dạn và thoải mái hơn trong việc quyết định dấn thân vào những cuộc thi, dự án trong các lĩnh vực mới.
Vậy làm thế nào để chị cân bằng giữa việc học tập và dành tâm huyết cho một dự án mà chị tham gia ?
Quả thật, đối với sinh viên đại học như chúng ta, việc cân bằng về yếu tố thời gian giữa học tập và tham gia các hoạt động khác là điều cần thiết. Vậy làm thế nào để cân bằng thời gian, hãy cùng xem cách suy nghĩ của chị Tố Uyên nhé.
“Thực ra, bản thân chị cũng không định nghĩa được thế nào là “cân bằng”. Chị nghĩ đây chỉ là câu chuyện về lựa chọn và sự ưu tiên của bản thân ở từng thời điểm khác nhau. Một nguyên tắc đơn giản, phổ biến mà chị vẫn thường áp dụng là đặt ưu tiên cho các đầu việc. Số lượng các đầu việc khi vừa đi học, vừa tham gia nhiều dự án, cuộc thi cùng một lúc có thể nhiều, nhưng thực tế thì không phải lúc nào chị cũng cần tập trung vào 100% các đầu việc đó. Mỗi đầu việc sẽ có các giai đoạn bắt đầu – tập trung – kết thúc khác nhau. Do đó, ở mỗi thời điểm, chị sẽ lựa chọn 2-3 đầu việc quan trọng nhất để ưu tiên sắp xếp thời gian. Các việc ít ưu tiên hơn sẽ dời lại nếu không kịp thời gian. Khi đã có kế hoạch thời gian cụ thể, chị cố gắng tập trung vào đúng việc, đúng lúc để hoàn thành công việc theo kế hoạch. Để làm được như vậy, các công cụ quản lý thời gian thực sự là trợ thủ đắc lực giúp chị không cần dành quá nhiều sự chú ý vào việc quản lý các đầu việc và deadline, mà thay vào đó là tập trung suy nghĩ cho các hoạt động học tập, các cuộc thi hoặc các dự án mà chị tham gia”.
Cuối cùng là những lời khuyên thiết thực nhất mà chị Tố Uyên muốn nhắn gửi đến các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn khóa K22.
“Thực ra, mỗi cuộc thi, dự án đều sẽ mang lại giá trị nhất định, dù là ở trong trường hay ngoài trường. Các bạn sinh viên vẫn có thể bắt đầu bằng việc tham gia các cuộc thi, dự án chất lượng do trường tổ chức để cảm thấy thoải mái, thân thuộc hơn. Khi đã mạnh dạn hơn và có mong muốn thử thách bản thân, các cuộc thi được tổ chức ngoài trường sẽ là cơ hội lớn để các bạn có thể tiếp thu nhiều quan điểm hơn về chủ đề mà các bạn quan tâm, đồng thời mở rộng các mối quan hệ trong lĩnh vực mà các bạn mong muốn”.
Theo chị, động lực luôn là điều quan trọng, vì nó sẽ là kim chỉ nam cho mỗi quyết định của bản thân sau này. Do đó, để có thể tìm thấy chút can đảm trước khi bước vào một cuộc hành trình mà mình mong muốn, các bạn sinh viên có thể bắt đầu bằng việc tìm cho mình một lý do cho mong muốn của mình, có thể là các mục tiêu ngắn hạn như giành được giải thưởng, gặp được crush của mình, lấp đầy khoảng thời gian trống, tìm hiểu thế mạnh, sở thích của bản thân hoặc các mục tiêu dài hạn hơn như góp phần giải quyết các vấn đề xã hội; đóng góp vào một lĩnh vực học thuật nhất định,… Tìm được một động lực như vậy là các bạn hoàn toàn có thể bắt đầu thử sức mình được rồi.
Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia các cuộc thi, các dự án, có thể áp lực về thời gian sẽ khiến các bạn không nhận ra ngay mình đang phát triển và lớn lên như thế nào, nhưng sau này, khi đã va chạm đủ và nhìn lại, các bạn sẽ thấy mỗi sự dấn thân như thế sẽ đều là một dấu chấm để hình thành lên bản thân các bạn với những kiến thức, kỹ năng và quan điểm như hiện tại.
Điều cuối cùng, chị mong rằng khi đã đủ động lực và sự can đảm, các bạn sẽ thật sự quyết tâm và hết mình. Dù không đạt được kết quả như mong muốn ban đầu, các bạn cũng sẽ có một hành trình đáng nhớ, và sẽ không phải tiếc nuối vì bản thân chưa đủ quyết tâm cho những điều bản thân mong muốn. Vì tụi mình vẫn “young, dumb and broke”, thì ngại gì mà không thử đứng dậy và bắt đầu một thứ gì đó thú vị và có chút không chắc chắn, nhỉ?
🌟Hy vọng những chia sẻ của chị Tố Uyên là động lực giúp cho các bạn sinh viên còn đang khá “tự ti” về bản thân mình sẽ mạnh dạn bước vào một cuộc hành trình mà mình mong muốn, tham gia các dự án, cuộc thi cùng bạn bè và điều quan trọng là nỗ lực để chạm tay đến danh hiệu Sinh Viên 5 Tốt cao quý này nhé.
Hãy cùng theo dõi fanpage IU Union of Students và fanpage Sinh Viên 5 Tốt Đại học Quốc Tế để đón xem các số ILLUSTRIS tiếp theo nhé!
#ILLUSTRIS #season5
#danhhieusinhvien5tot
#hsvdhqt #vnusiu